Người sung sướng vì được trả tiền; kẻ khóc ròng vì kẹp hàng “đúng đỉnh”

Vụ việc giao dịch chui của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đã khiến giá cổ phiếu FLC giảm liên tục trong 3 phiên đầu tuần này. Trong đó phiên gần nhất 12/1, thị giá FLC đã “nằm im” tại mức giá sàn 18.550 đồng/cổ phiếu trong toàn bộ thời gian giao dịch. Không chỉ FLC, hàng loạt cổ phiếu liên quan đến Tập đoàn FLC cũng có phiên giao dịch tiêu cực khi đồng loạt giảm hết biên độ ngay từ đầu tiên, dư bán giá sàn “chồng chất” hàng chục triệu đơn vị nhưng cũng không thể khớp do bên mua “trắng xóa”.

Ngay trong tối 11/1, sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) đã ra thông báo sẽ huỷ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu của ông Quyết trong phiên 10/1. Như vậy, những cổ đông đã mua cổ phiếu đối ứng lệnh bán của Chủ tịch Quyết trong phiên giao dịch trên sẽ được nhận lại tiền. Đây có lẽ là thông tin không thể mừng hơn của những cổ đông lỡ mua cổ phiếu FLC trong phiên 10/1, bởi lẽ kể cả mua tại mức giá thấp nhất phiên là 21.000 đồng/cổ phiếu thì chỉ sau 2 phiên giá trị đã “bốc hơi” gần 12%.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng trong phiên 10/1, có tới 135 triệu cổ phiếu FLC được giao dịch khớp lệnh. Do đó, nếu trừ đi giao dịch của ông Quyết thì vẫn rất nhiều giao dịch của 60 triệu cổ phiếu còn lại sẽ không được hoàn tiền, giới đầu tư cũng từ đó mà “kẻ khóc, người cười”. Ghi nhận nhanh ngay tại một văn phòng trong ngày 12/1 cũng đã có đủ loại cung bậc cảm xúc liên quan đến giao dịch cổ phiếu nhóm FLC.

Theo đó, anh T – nhân viên văn phòng – hồ hởi “khoe” màn hình chụp tin nhắn của công ty chứng khoán với nội dung: “Theo CV của CQQL v/v hủy giao dịch FLC, MBS thông báo sẽ hủy kết quả khớp lệnh mua 3.000 CP FLC GTGD 71.100.000 đồng ngày 10/1/2022 trên tài khoản của quý khách.” Anh T thuộc số nhà đầu tư “may mắn” khi đã mua đối ứng với lệnh bán ra của ông Trịnh Văn Quyết. 

Cảm xúc đối nghịch của dân văn phòng ôm cổ nhóm FLC: Người sung sướng vì được trả tiền; kẻ khóc ròng vì kẹp hàng đúng đỉnh - Ảnh 1.

“Tôi đã tự nhủ rằng coi như giao dịch kia như “của đi thay người”, thôi thì là xui xẻo dịp cuối năm, thật không ngờ lại được nhận lại tiền”, anh T cho hay. Anh cũng cho biết đây là lần hiếm hoi anh lựa chọn cổ phiếu nhóm FLC để đầu tư bởi lẽ anh là người theo trường phái đầu tư giá trị, mỗi khi “xuống tiền” thì sẽ gắn bó với cổ phiếu đó theo đơn vị hằng năm, trong khi cổ phiếu FLC thông thường sẽ phù hợp với những người ham “lướt sóng”. 

Tuy nhiên, đồng nghiệp của anh T là anh T.M thì lại không được may mắn như vậy. Trái ngược với tâm trạng sung sướng kia là tình trạng “khóc ròng” khi trót lỡ mua vào 3.000 cổ phiếu ROS với mức giá sát trần trong phiên 10/1 và cái kết đau xót phải “gồng lỗ” hàng chục phần trăm.

“Tôi rất buồn! Mỗi ngày khi tới phiên giao dịch cảm xúc của tôi càng nặng nề hơn khi nhìn tiền của mình vơi đi nhanh chóng. Bây giờ tôi chỉ mong cổ phiếu về tài khoản sẽ bán được ngay nhưng mà khó quá, vì khối lượng giao dịch ngày 12/1 đã xuống nhanh chóng rồi. Lần này, mọi tính toán của tôi đã đổ vỡ”, anh T.M chia sẻ.

Anh cho hay ngay trong đêm nay, khi cổ phiếu về sẽ ngay lập tức đặt lệnh ATO để bán “cắt lỗ”. Quyết định đầu tư này có lẽ sẽ khiến anh T.M nhớ mãi như một bài học sâu sắc trong quá trình đầu tư của mình.

Cảm xúc đối nghịch của dân văn phòng ôm cổ nhóm FLC: Người sung sướng vì được trả tiền; kẻ khóc ròng vì kẹp hàng đúng đỉnh - Ảnh 2.

Giao dịch cổ phiếu ROS của anh T.M (ảnh NĐT cung cấp)

Tiếp lời, anh T.M cho biết một người bạn của anh cũng đã mua khớp lệnh 7.000 cổ phiếu FLC trong phiên 10/1 với giá trung bình 23.165 đồng/cổ phiếu nhưng đến hiện tại vẫn chưa nhận được tin nhắn từ công ty chứng khoán về hủy giao dịch. Khả năng cao số cổ phiếu đó đã không “trúng” với lượng bán ra của ông Trịnh Văn Quyết, đồng nghĩa người bạn này sẽ phải gánh khoản lỗ hiện đã gần 20% tương ứng hơn 32 triệu đồng và còn có thể lỗ sâu hơn trong những phiên tới nếu không thoát hàng được.

Cảm xúc đối nghịch của dân văn phòng ôm cổ nhóm FLC: Người sung sướng vì được trả tiền; kẻ khóc ròng vì kẹp hàng đúng đỉnh - Ảnh 3.

Giao dịch cổ phiếu FLC của một nhà đầu tư trong phiên 10/1 (ảnh NĐT cung cấp)

Có thể thấy rằng thị trường chứng khoán không phải là dễ dàng, đặc biệt với những nhà đầu tư mới tham gia. Những diễn biến vô cùng khó lường thậm chí sẽ khiến nhiều người ngỡ ngàng, không thể trụ vững và nhanh chóng bị đào thải. Nhà đầu tư cần chuẩn bị kỹ cả về kiến thức và tâm lý trước khi tham gia giao dịch để tránh khỏi sai lầm đáng tiếc, bảo vệ tài sản của chính bản thân mình.

Trên trang cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT chứng khoán SSI cho rằng nên mọi người nên giành phần lớn danh mục của mình theo trường phái đầu tư giá trị, việc mua bán hô hào theo các đội nhóm rất rủi ro. Đây có thể xem là lời khuyên quý báu mà nhà đầu tư cần lưu ý để có thể tồn tại trên thị trường chứng khoán, nơi có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít “cạm bẫy”.