Khối ngoại giảm bán ròng còn 815 tỷ đồng trong tuần 20-24/9

Tuần giao dịch 20-24/9 ghi nhận sự lao đao của thị trường tài chính toàn cầu trước thông tin nguy cơ vỡ nợ của tập đoàn bất động sản đứng thứ hai Trung Quốc – Evergrande. Chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng quay khi chịu áp lực điều chỉnh và phải nỗ lực để lấy lại mốc 1.350 điểm. 

Thanh khoản bình quân toàn thị trường ghi nhận cải thiện so với tuần trước, đạt 27.625 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên tâm lý nhà đầu tư vẫn tỏ ra khá thận trọng khi thị trường nhìn chung vẫn giữ nhịp “side-way”. Dòng tiền chốt lời cũng xuất hiện trên nhóm cổ phiếu đầu cơ midcap và penny sau chuỗi tăng nóng, khiến nhiều cổ phiếu quay đầu giảm sàn với tình trạng trắng bên mua.

VN-Index kết thúc tuần có 2 phiên tăng điểm và 3 phiên đóng cửa dưới tham chiếu, dừng lại ở mức 1.351,17 điểm, tương ứng giảm 1,47 điểm (0,11%) so với đầu tuần.

Về giao dịch khối ngoại, giá trị giao dịch bình quân của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2.504 tỷ đồng, chiếm 4,5% tỷ trọng toàn thị trường. Con số này sụt giảm đáng kể so với 9% của tuần trước, một phần xuất phát từ tâm lý lo ngại bởi tình hình tài chính toàn cầu. 

Điểm trừ lớn là việc họ tiếp tục bán ròng trên toàn thị trường, tuy nhiên giá trị đã giảm chỉ còn 815 tỷ đồng, tương ứng khối lượng hơn 82 triệu cổ phiếu trong tuần vừa qua. Cụ thể hơn, tuần qua trên kênh khớp lệnh, khối ngoại bán ròng 1.169 tỷ đồng trên cả 3 sàn; trong khi đó, họ đã bất ngờ trở lại mua ròng 354 tỷ đồng trên kênh thỏa thuận trên hai sàn HoSE và UPCoM.

Khối ngoại giảm bán ròng còn 815 tỷ đồng trong tuần 20-24/9 - Ảnh 1.

Tính riêng kênh khớp lệnh, cổ phiếu ngân hàng trở lại là điểm sáng khi được nhà đầu tư ngoại tích cực mua ròng nhiều nhất trong tuần, bên cạnh đó nhóm đồ uống cũng ghi nhận tín hiệu rót ròng tích cực từ dòng vốn ngoại. Còn lại hầu hết các nhóm cổ phiếu khác đều chịu chung xu hướng bán ròng, tiêu biểu như bất động sản, hóa chất, chứng khoán, tài nguyên cơ bản…, tuy nhiên áp lực bán đã giảm rõ rệt so với tuần trước đó.

Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, lực bán của khối ngoại tiếp tục dồn mạnh vào nhóm vốn hóa lớn như VIC, HPG, DGC hay chứng chỉ quỹ FUEVFVNF. Ngược lại, phía mua ròng tập trung tại các cổ phiếu MBB, VNM, VCB, VHM, KDH, VCI, HHV… 

Khối ngoại giảm bán ròng còn 815 tỷ đồng trong tuần 20-24/9 - Ảnh 2.

Trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục duy trì mạch bán ròng, tuy nhiên tổng giá trị ròng đã giảm mạnh so với cơ cấu ETFs trước đó, đạt 829 tỷ đồng. Cụ thể, nhà đầu tư ngoại bán ròng 1.063 tỷ đồng được giao dịch thông qua khớp lệnh trên sàn, ngược lại họ đã đảo vị thế mua ròng 234 tỷ đồng thông qua giao dịch thỏa thuận.

Nối tiếp mạch bị bán ròng, cổ phiếu VIC trong tuần qua tiếp tục ghi nhận giá trị bán ròng mạnh nhất thị trường với 379 tỷ đồng – nhưng đã giảm tới 76% so với tuần trước đó. Trước áp lực xả hàng, thị giá VIC tuần qua vẫn ghi nhận nhích nhẹ 0,2% lên 87.00 đồng/cổ phiếu (phiên 24/9). Thông tin liên quan, ngày 20/9 HoSE đã niêm yết bổ sung gần 423 triệu cổ phiếu VIC và lượng cổ phần này đã về tài khoản nhà đầu tư từ ngày 24/9.

Bên cạnh đó, HPG cũng bị bán ròng 349 tỷ đồng, DGC sau chuỗi phiên tăng “nóng” lên đỉnh mới cũng bị áp lực bán chốt lời của nhà đầu tư ngoại, giá trị bán ròng ghi nhận 225 tỷ đồng. Các cổ phiếu khác bị bán ròng trên 100 tỷ đồng trong tuần còn có FUEVFVMD (192 tỷ đồng), NVL (161 tỷ đồng), MSN (120 tỷ đồng), E1VFVN30 (105 tỷ đồng)…

Tâm điểm giao dịch ở chiều mua trong tuần này là cổ phiếu MBB với giá trị mua ròng nhiều nhất 509 tỷ đồng. Giá trị giao dịch chủ yếu diễn ra trong phiên cuối tuần 24/9 với hơn 11 triệu đơn vị được nhà đầu tư ngoại mua ròng. Ngoài ra, danh sách mua ròng còn có các cổ phiếu khác như VNM (250 tỷ đồng), VCB (220 tỷ đồng), VHM (157 tỷ đồng), KDH (145 tỷ đồng)…

Khối ngoại giảm bán ròng còn 815 tỷ đồng trong tuần 20-24/9 - Ảnh 3.

Top mua/bán ròng trên sàn HoSE tuần 20 – 24/9

Trên sàn HNX, khối ngoại sau khi mua ròng trong tuần cơ cấu quỹ ETF đã quay lại bán ròng 125 tỷ đồng và toàn bộ đều đến từ kênh khớp lệnh. Có thể thấy xu hướng chốt lời tại nhóm vừa và nhỏ đang diễn ra tương đối mạnh.

Mất đi động lực từ việc thêm mới các cổ phiếu của các quỹ ETFs, giá trị mua ròng trên sàn HNX không có gi đáng chú ý với CEO được mua ròng 6 tỷ đồng, KLF được rót ròng 2 tỷ đồng trong khi SHB, CLH hay ART đồng loạt được mua ròng 1 tỷ đồng. 

Ngược lại, giao dịch chiều bán ghi nhận VCS bị bán mạnh nhất với 28 tỷ đồng, theo sau là VNR với giá trị bán ròng 26 tỷ đồng. Cổ phiếu VCS hiện đã vượt đỉnh cũ 4/2018 và ghi nhận mức giá kỷ lục 126.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 45% giá trị kể từ đầu năm; do đó rất có thể các nhà đầu tư ngoại đã chốt lời mã cổ phiếu này. 

Danh sách bán ròng còn có PLC (20 tỷ đồng), BCC (16 tỷ đồng), THD (8 tỷ đồng), SED (8 tỷ đồng), TNG (6 tỷ đồng)…

Khối ngoại giảm bán ròng còn 815 tỷ đồng trong tuần 20-24/9 - Ảnh 4.

Top mua/bán ròng trên sàn HNX tuần 20 – 24/9

Trên sàn UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận giao dịch tích cực với giá trị mua ròng đạt 139 tỷ đồng, trong đó 119 tỷ đồng mua ròng trên kênh thỏa thuận.

Theo đó, HHV được nhà đầu tư ngoại rót ròng 112 tỷ đồng trong tuần qua. Sắp tới, HHV sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để xin ý kiến cổ đông về việc tăng vốn điều lệ lên 3.533 tỷ đồng và thông qua các phương án chào bán cổ phiếu cổ đông hiện hữu. Ngoài ra, dòng vốn ngoại vẫn tìm đến cổ phiếu ACV với giá trị rót ròng 20 tỷ đồng, TV6 với 10 tỷ đồng…

Tại phía ngược lại, QNS sau tuần trước được mua ròng đã bị khối ngoại quay đầu bán ròng nhiều nhất với giá trị bán ròng đạt 14 tỷ đồng. Một số cổ phiếu bị bán ròng từ nhà đầu tư ngoại tuần qua trên UPCoM còn có VEA, BSR, VTP, FOX, MPC…

Khối ngoại giảm bán ròng còn 815 tỷ đồng trong tuần 20-24/9 - Ảnh 5.

Top mua/bán ròng trên sàn UPCoM tuần 20 – 24/9

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *