Khoảng trống thông tin hiện hữu, VN-Index rung lắc mạnh tại vùng 1.350 điểm

Tuần giao dịch đầu tháng 8 (2-6/8) diễn ra khá tích cực với sự hồi phục của TTCK Việt Nam khi chỉ số VN-Index tăng 4/5 phiên giao dịch. Trong phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index dù có lúc đã vượt mốc 1.350 điểm, nhưng lực cung tăng mạnh trong ít phút cuối đã khiến chỉ số đảo chiều giảm xuống 1.341,45 điểm, mức thấp nhất phiên giao dịch.

Việc thị trường gặp cản mạnh tại vùng 1.350 điểm, cùng yếu tố dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, trong khi tháng 8 thiếu vắng thông tin hỗ trợ đang khiến không ít nhà đầu tư trở nên thận trọng với xu hướng thị trường lúc này.

Trong bản tin nhận định, nhiều CTCK đã đưa ra đánh giá thận trọng về xu hướng thị trường và cho rằng nhà đầu tư có thể tiến hành chốt lời với một số cổ phiếu đã tăng “nóng”.

Rung lắc mạnh tại vùng 1.350 điểm, nhà đầu tư có thể chốt lời cổ phiếu

Cụ thể, theo CTCK SHS, trong tuần qua, chỉ số VN-Index đã hồi phục tuần thứ 2 liên tiếp với thanh khoản gia tăng so với tuần trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 tuần cho thấy lực cầu mua lên là chưa thực sự mạnh, một bộ phận nhà đầu tư vẫn đang đứng ngoài thị trường. Khối ngoại quay trở lại mua ròng trong tuần qua với gần 2.500 tỷ đồng trên hai sàn cũng phần nào hỗ trợ cho đà hồi phục của thị trường.

Tuy nhiên, trên góc nhìn kỹ thuật, SHS đánh giá VN-Index vẫn chưa thể vượt qua được vùng kháng cự của sóng hồi phục b và thanh khoản cao nhất trong phiên giảm điểm vào cuối tuần là những tín hiệu cảnh báo về khả năng đảo chiều xu hướng.

Trong kịch bản tiêu cực, nếu VN-Index xuyên thủng hỗ trợ quanh 1.325 điểm thì có thể coi bước vào sóng điều chỉnh c với mục tiêu quanh 1.150 điểm. Theo đó, trong tuần giao dịch tiếp theo 10/8-14/8, SHS dự báo thị trường có khả năng sẽ bước vào giai đoạn rung lắc khi mà áp lực chốt gia tăng trong vùng kháng cự 1.325-1.350 điểm.

SHS khuyến nghị nhà đầu tư đã bắt đáy với tỷ trọng trung bình như khuyến nghị khi VN-Index rơi về ngưỡng hỗ trợ 1.260 điểm nên tiếp tục theo dõi thị trường và có thể bán ra các cổ phiếu đã đạt kỳ vọng hoặc đà tăng bị suy yếu.

Cũng có cái nhìn thận trọng, CTCK Vietcombank (VCBS) nhận định VN-Index sẽ tiếp tục xu hướng dao động tích lũy trong vùng 1.300 – 1.350 trong những tuần tới và trước mắt thì ngưỡng kháng cự gần nhất là 1.350 điểm.

VCBS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc chốt lời một phần các cổ phiếu đã đạt được lợi nhuận kỳ vọng để bảo toàn thành quả, đồng thời chuyển sang nắm giữ các cổ phiếu vốn hóa trung bình chưa tăng mạnh trong giai đoạn trước đó. Trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh giảm trong phiên để tiếp tục gia tăng tích lũy các cổ phiếu mục tiêu có tiềm năng tăng trưởng tốt và nền tảng tài chính lành mạnh trong năm 2021.

Góc nhìn CTCK: Khoảng trống thông tin hiện hữu, VN-Index rung lắc mạnh tại vùng 1.350 điểm - Ảnh 1.

Khoảng trống thông tin hiện hữu trong tháng 8

Trong khi đó, CTCK MBS cho rằng một phiên điều chỉnh chưa ảnh hưởng đến xu hướng hồi phục của thị trường nhưng điều đó cũng cho thấy nhịp hồi kỹ thuật vừa qua đã diễn ra và để thiết lập lại xu hướng tăng chỉ số VN-Index cần tích lũy và giữ vững trên đường MA50 ngày. Bên cạnh đó, vùng cản kỹ thuật của MA Envelopes hay trực tiếp hơn là Bollinger Band đang ở khá gần với mức kháng cự từ 1.348 – 1.360 điểm. Do vậy, trong trường hợp thị trường rung lắc hoặc điều chỉnh thêm, các ngưỡng hỗ trợ như 1.315 điểm hay 1.300 điểm cần nên lưu ý.

Cũng theo MBS, nếu như trong các làn sóng điều chỉnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trước đây, tín hiệu tạo đáy và bước vào trend tăng tiếp theo cần đạt được hai điều kiện đó là: 1) thanh khoản cần duy trì tăng tích cực; 2) Chỉ số VN-Index cần vượt qua đường trung bình động MA50 ngày.

Tuy nhiên, MBS cho rằng ảnh hưởng của làn sóng biến chủng Delta giai đoạn này đang có những khó khăn nhất định trong việc khoanh vùng và khống chế tại các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội khiến thời gian giãn cách kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trường kinh tế trong Q3 và Q4. Diễn biến này chắc chắn cũng sẽ tác động tới KQKD của các doanh nghiệp niêm yết trong hai quý tới. Bởi vậy, vẫn cần theo dõi thêm sự dịch chuyển của dòng tiền và việc kiểm nghiệm các vùng kháng cự của Bollinger Bands, MA Envelopes và vùng dao động xoay quanh đường trung bình động MA50 ngày của VN-Index trong tuần này để có chiến lược giao dịch hợp lý. Sự cẩn trọng vẫn tiếp tục nên được duy trì bởi sau mùa báo cáo tài chính Q2, thị trường cũng sẽ đối mặt với giai đoạn trống thông tin hỗ trợ.

Trong kịch bản cơ sở của MBS, nếu thanh khoản phục hồi chậm theo hướng đi ngang hoặc giảm nhẹ thì khả năng VN-Index vẫn chỉ dao động trên vùng đáy kỹ thuật vừa được thiết lập và kháng cự MA envelopes và Bollinger Bands đang ở khá gần, VN-Index sẽ dao động chủ yếu trong khoảng 1.325 – 1.365 điểm với các nhịp rung lắc và chốt lời lượng hàng bắt đáy về tài khoản có thể diễn ra.

Về chiến lược đầu tư, với chuỗi tăng gần 2 tuần liên tiếp, kết quả hẳn là tích cực cho những nhà đầu tư tham gia bắt đáy trong thời gian vừa qua. Nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ danh mục khi các tín hiệu kỹ thuật chưa bị vi phạm. Có thể xem xét chốt lời dần nếu chỉ số VN-Index có tín hiệu suy yếu khi chạm các vùng kháng cự mạnh như 1.360 – 1.371 điểm. Dòng tiền đầu cơ đã dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trong 3 tuần liên tiếp, khả năng sẽ quay lại nhóm bluechips trong nửa tuần sau. Do đó, NĐT không nên lướt sóng và chạy theo dòng tiền đầu cơ, có thể cơ cấu danh mục để đón đầu khi dòng tiền quay lại

Với nhà đầu tư giải ngân mới cho nhịp tăng trung hạn, MBS cho rằng cần quan sát vùng kháng cự 1.360 điểm. Nếu vượt qua vùng này một cách chắc chắn với thanh khoản gia tăng, xu hướng tăng được thiết lập có thể tham gia tăng dần tỷ trọng. Ngược lại, nếu xu hướng đảo chiều xuất hiện, NĐT có thể cần chốt lời và quan sát chờ điểm mua nếu diễn biến giảm của chỉ số quay trở lại với các vùng hỗ trợ mạnh như 1.300 – 1.315 điểm.