“Kết quả kinh doanh về cơ bản đã phản ánh vào giá cổ phiếu, nhà đầu tư hạn chế bắt đáy, ưu tiên quản trị rủi ro”

Trong báo cáo mới được công bố, CTCK MBS đã đưa ra những đánh giá thận trọng với xu hướng thị trường hiện nay.

MBS cho biết thị trường chứng khoán vừa khép lại tuần đầy biến động với 1 phiên tăng và 4 phiên giảm và khép lại tuần giảm mạnh sau hơn 3 tuần tăng điểm liên tiếp. Thanh khoản tăng so với tuần trước khi hoạt động bắt đáy không thành công buộc các nhà đầu tư phải cắt lỗ. Điểm sáng lúc này là việc khối ngoại quay trở lại mua ròng, đặc biệt là các quỹ ETF đến từ khu vực Châu Á.

Tuần vừa qua cũng là tuần đầu tiên vận hành hệ thống giao dịch mới, thị trường trải qua những phiên biến động mạnh, thậm chí có nhiều thời điểm rơi vào bán tháo về cuối phiên. Chốt tuần, VN-Index giảm 73,13 điểm, tương đương mức giảm 5,15%, đây cũng là mức giảm mạnh thứ 2 kể từ đầu năm, chỉ sau tuần giảm 9,44% hồi cuối tháng 1. Kể từ mức đỉnh cao mới, thị trường đã giảm gần 90 điểm, tương đương 6,28%.

Diễn biến giảm giá tuần qua diễn ra trên diện rộng, rất ít cổ phiếu có thể chống đỡ được. Mức giảm ở nhóm midcap và smallcap rất lớn, lần lượt là 8,06% và 6,41%, trong khi đó đi ngược thị trường là nhóm ETF Diamond, rổ ETF này thậm chí vẫn duy trì mạch tăng sang tuần thứ 4 liên tiếp.

KQKD quý 2 về cơ bản đã phản ánh vào giá cổ phiếu

Theo MBS, sau chu kỳ tăng kéo dài như vừa qua, các yếu tố hỗ trợ từ việc các doanh nghiệp sắp công bố lợi nhuận quý 2/2021 về cơ bản đã phản ánh vào giá của cổ phiếu và kỳ vọng của thị trường, do vậy ít có khả năng tạo sóng ở giai đoạn này, tuy vậy không có nghĩa là không còn gì để “bấu víu”, một số cổ phiếu tốt hơn so với kỳ vọng và được hưởng lợi vẫn sẽ có nhịp tăng ngắn hạn.

Trái với xu hướng chung của nhà đầu tư trong nước đua nhau xả hàng khiến thị trường có những phiên lao dốc mạnh, khối ngoại có tuần giao dịch tích cực khi danh mục mua vào tập trung ở các mã Bluechip và đã mua ròng tới hơn 2.300 tỷ đồng.

MBS: Kết quả kinh doanh về cơ bản đã phản ánh vào giá cổ phiếu, nhà đầu tư hạn chế bắt đáy, ưu tiên quản trị rủi ro - Ảnh 1.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 32.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn, gấp 1,7 lần lượng bán ròng cả năm 2020. Như vậy, sau khi bán ròng miệt mài trong năm tháng đầu năm và những phiên giao dịch đầu tháng 6, giao dịch của khối ngoại trên TTCK Việt Nam đang cho thấy tín hiệu tích cực hơn kể từ giữa tháng 6 đến nay.

Xu hướng này cũng khá tương đồng với dòng vốn quốc tế trên toàn cầu. Theo số liệu của Viện Tài chính quốc tế, dòng vốn quốc tế rót ròng vào thị trường cổ phiếu và trái phiếu của các nền kinh tế mới nổi trong tháng 6 đã tăng gấp 3 lần so với tháng 5, bất chấp Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang nghiêng về khả năng sớm tăng lãi suất trong hai năm tới trong cuộc họp gần đây.

Thực tế cho thấy gần đây đã có thêm một số quỹ đầu tư mới được thành lập và bắt đầu giải ngân vào TTCK Việt Nam. Mới đây nhất là quỹ Asian Growth Cubs ETF, được thành lập vào ngày 17-6-2021, đã chính thức rót hàng triệu đô la Mỹ vào chứng khoán Việt Nam trong những phiên giao dịch cuối tháng 6 vừa qua.

MBS cho rằng lúc này là thời điểm mà các yếu tố để thì trường kỳ vọng cơ bản đang đi tới điểm hội tụ: các biến số vĩ mô đã được công bố, hệ thống giao dịch cũng đã đi vào vận hành, thanh khoản đã không bùng nổ như kỳ vọng, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 đã phản ánh phần nào vào giá do đó nếu không có quá nhiều đột biến phía trước thì cũng rất khó tạo “sóng”. Do vậy, thị trường cần một nhịp “nghỉ chân” trước thời điểm trống thông tin nửa sau tháng 7 đầu tháng 8.

Hạn chế bắt đáy, ưu tiên quản lý rủi ro, giảm margin

Về kỹ thuật, MBS cho biết VN-Index đã đi đến vùng cản được tạo bởi các đường kháng cự mạnh hoặc cũng có thể đã kết thúc đủ 5 sóng. Mặc dù có tuần điều chỉnh mạnh nhưng thị trường vẫn nằm trong xu hướng tăng kể từ cuối tháng 3 năm ngoái, do vậy nhịp điều chỉnh là hoàn toàn bình thường khi các yếu tố hỗ trợ chưa được làm mới.

Trong kịch bản thị trường điều chỉnh tạo đáy thì vùng đáy kỹ thuật hỗ trợ có thể là 1.265 – 1.330 điểm tương ứng vùng MA100 đến MA50. Vùng hỗ trợ gần hơn trong tuần tới là vùng 1.330 – 1.339 điểm có thể sẽ giúp chỉ số bớt đà giảm hoặc tạm tìm vùng cân bằng sau những phiên điều chỉnh mạnh.

Tuần vừa qua cũng là vòng đầu tiên hoạt động bắt đáy đã không thành công, do vậy nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn, lượng tiền vào thị trường vì thế cũng sẽ giảm dần ở các lần sau (nếu có). Đây là nhịp giảm đầu tiên nên vẫn có những cổ phiếu hồi mạnh trở lại hoặc đi ngược thị trường, tuy nhiên xác suất để chọn được những cổ phiếu như vậy là rất thấp và biên lợi nhuận cũng mỏng. Do vậy, MBS khuyến nghị nhà đâu tư vẫn chưa vội bắt đáy, điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp.

MBS: Kết quả kinh doanh về cơ bản đã phản ánh vào giá cổ phiếu, nhà đầu tư hạn chế bắt đáy, ưu tiên quản trị rủi ro - Ảnh 2.

Về chiến lược đầu tư, MBS cho rằng điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp. Nếu chờ đợi giải ngân có thể xem xét các vùng hỗ trợ kỹ thuật tiềm năng trong các nhịp chỉnh mạnh xoay quanh vùng 1.275 – 1.300 để lựa chọn danh mục mua vào dần ưu tiên các lĩnh vực chọn lọc như Ngân hàng (MBB, TCB), Chứng khoán (SSI, MBS, BSI), Bất động sản (VHM, DIG, NLG, HDG), Thép (HPG, NKG, HSG); Dầu khí (GAS, BSR, PVS)…