Ngành thép kết thúc nửa đầu năm với những kỷ lục về doanh thu lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp. Thậm chí, sự tăng trưởng nóng của thị trường đưa nhiều tên tuổi “hồi sinh” sau nhiều năm chìm ngập trong thua lỗ, đơn cử Thép Tiến Lên (TLH), Pomina (POM)…
Sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu đi cùng chu kỳ giá tăng cao là một trong những tác nhân chính thúc đẩy toàn ngành đi lên, tiếp đà tăng trưởng từ năm 2020. Dù vậy, từ tháng 5/2021, thị trường bắt đầu giảm nhiệt, đi cùng với sự bùng phát trở lại của đại dịch khiến nhu cầu nội địa yếu đi, nhà sản xuất trong nước cũng lo ngại về mùa thấp điểm (mùa mưa) và giá bán đã tương đối cao. Ghi nhận, sản lượng tiêu thụ trong quý 2 tăng 7%, nhưng giảm mạnh so với tháng 6, mặc dù giá thép trong kỳ đã giảm khoảng 10%.
Sang quý 3, giới phân tích cho rằng nhu cầu trong nước sẽ yếu do các ca nhiễm Covid-19 ngày càng tăng, đặc biệt các biện pháp kiểm soát dịch siết chặt hơn được áp dụng và ảnh hưởng của tính thời vụ khi bước vào mùa mưa. Hệ quả, lợi nhuận, đặc biệt biên lãi của các doanh nghiệp thép theo nhiều nhận định sẽ điều chỉnh mạnh trong nửa cuối năm.
Dù vậy, sự chênh lệch về giá thép giữa Việt Nam so với các thị trường khác trên thế giới, đi cùng nhu cầu tăng cao đang mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp thép Việt – cơ hội từ xuất khẩu. Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo sự tăng trưởng từ xuất khẩu sẽ đủ để bù đắp cho sự giảm nhiệt của thị trường nội địa.
Dự báo, 6 tháng cuối năm, nhu cầu thép tại châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục duy trì ở mức cao, nhờ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của hoạt động xây dựng khi dịch bệnh đang được kiểm soát tốt hơn.
Bên cạnh đó, EU sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu thêm 3 năm nữa. Các biện pháp này chủ yếu nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Chính sách này tiếp tục duy trì điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ Việt Nam.
Chưa kể, chênh lệch giá thép giữa Châu Âu, Bắc Mỹ và Việt Nam ngày càng tăng, đồng nghĩa với mức biên lợi nhuận tốt cho các nhà xuất khẩu nội địa. Vì vậy, kỳ vọng sản lượng xuất khẩu vẫn sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm 2021.
Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị đã sớm nắm bắt và chuẩn bị cho cơ hội từ thị trường xuất khẩu. Theo chia sẻ từ một người trong cuộc, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên doanh nghiệp đang tập trung cho mảng sản xuất xuất khẩu. Trên trường thế giới, mặt bằng chung thì hiện tại giá châu Á có xu hướng thấp hơn các khu vực khác, trong khi Trung Quốc tiếp tục cắt giảm mạnh công suất từ quý 3 nên giá thép có dấu hiệu phục hồi trở lại.
Ghi nhận trên BCTC, hàng tồn của các doanh nghiệp vẫn ở mức cao, một phần cho thấy công suất sản xuất không hề thu hẹp. Đơn cử, Thép Nam Kim tăng gấp đôi hàng tồn, từ mức 2.371 tỷ lên 5.958 tỷ đồng, chiếm hơn 42% tổng tài sản. SMC cũng đẩy mạnh hàng tồn, thậm chí tăng gấp 4 lần từ 1.804 tỷ lên 4.081 tỷ đồng, chiếm phân nửa tổng tài sản. Tính đến thời điểm 30/6/2021, Hoa Sen (HSG) đã tích trữ đến 11.647 tỷ hàng tồn kho, chiếm gần 50% tổng tài sản và tăng hơn 5.500 tỷ đầu so với đầu kỳ (niên độ tài chính HSG bắt đầu tư 1/10/2020 đến 30/9/2021).
Thực tế, xuất khẩu đã bắt đầu tăng trưởng mạnh từ tháng 5 vừa qua. Minh chứng, NKG cho biết doanh thu 6 tháng tăng mạnh nhờ Công ty đẩy mạnh kênh bán hàng trong và ngoài nước. Đặc biệt xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, riêng mặt hàng tôn mạ, 6 tháng qua NKG xuất khẩu 304.597 tấn – tương đương hơn 64% tổng sản lượng sản xuất trong kỳ.
SMC cũng báo lãi sau thuế 532 tỷ đồng trong quý 2/2021 cao gấp gần 13 lần so với cùng kỳ. Giải trình cho kết quả ấn tượng trên, SMC cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh khá ổn định. Công ty cũng đã và đang chủ động nguồn nguyên liệu, đảm bảo năng suất trong sản xuất, gia công và tồn kho luôn ở mức cao, giá vốn thấp.
Nhìn vào bức tranh tổng thể toàn ngành, hoạt động xuất khẩu thuận lợi thúc đẩy tổng sản lượng thép bán ra, trong khi tiêu thụ thép ở thị trường nội địa tăng trưởng chậm. Ghi nhận 6 tháng đầu năm 2021, ngành thép (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và ống thép) sản xuất được 9,7 triệu tấn thép, tiêu thụ được 9,1 triệu tấn, trong đó xuất khẩu 2,4 triệu tấn và tăng đến 72,5%. Tổng sản lượng tiêu thụ tôn mạ tăng 43,7%, trong đó sản lượng xuất khẩu tăng 133% và chiếm 57,5% tổng lượng tôn bán ra.
Trong mảng tôn mạ, hoạt động xuất khẩu vẫn diễn ra mạnh mẽ trong quý 2 và có thể bù đắp mức tiêu thụ yếu ở thị trường nội địa trong nửa cuối năm, VDSC nhấn mạnh. Trong khi nhu cầu trong nước ở mức thấp, hoạt động xuất khẩu ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn khi chiếm 56% tổng sản lượng tiêu thụ trong quý 2/2021, trong khi chỉ chiếm 33% trong quý 2/2020.
Sản lượng tiêu thụ tôn mạ 6 tháng đầu năm
6 tháng cuối năm, nhiều nhà sản xuất tôn mạ lớn đã nhận đủ đơn hàng sản xuất cho đến tháng 11. Trong số đó, HSG và NKG nhiều khả năng sẽ chạy hết công suất các nhà máy trong 6 tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp xuất khẩu trong quý 3 vẫn tốt do chênh lệch giá thép giữa châu Âu, Bắc Mỹ và Việt Nam ngày càng tăng. Nhu cầu mạnh mẽ từ châu Âu và Bắc Mỹ, cùng với các chính sách thương mại thuận lợi ở châu Âu, có thể hỗ trợ các nhà xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022.