Làm người lớn thật chẳng dễ dàng!

Có một nghịch lý như thế này: Lúc nhỏ ai cũng mong mình mau chóng trưởng thành, đếm từng ngày để đến ngày được tự do làm những điều mình thích. Nhưng khi thực sự trưởng thành, chúng ta lại muốn quay trở lại lúc còn là một đứa trẻ. Bởi vì khi chúng ta lớn lên, chúng ta đã nhìn thấy quá nhiều người và nhiều thứ, và chúng ta bắt đầu hiểu rằng cuộc sống không đơn giản như cách mình vẫn nghĩ.

Với sự tôi luyện của năm tháng, chúng ta đã dần trở thành những người tốt hơn, hay nói cách khác là những người dễ được người khác chấp nhận và công nhận hơn. Trong các mối quan hệ, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể tuỳ tiện nói ra những suy nghĩ trong lòng.

01

Trong cuộc sống, nếu bạn muốn người khác lắng nghe và chia sẻ, điều quan trọng nhất là phải biết cách “hạ thấp” bản thân mình. Không ai muốn trò chuyện với một người quá cao ngạo, vì nó chẳng khác gì đang nhìn lên một khúc gỗ thẳng đứng, mà nhìn lâu thì sẽ mỏi cổ! Người am hiểu không cố tỏ ra mình cao siêu mà luôn coi bản thân như một người bình thường và cư xử hoà nhã với mọi người xung quanh.

Khi kết bạn với những người khác, đừng cố gắng chứng minh lý lịch của bạn xuất sắc như thế nào và mình giàu có đến đâu. Khi trưởng thành, bạn sẽ dần hiểu rằng đó là những thứ bên ngoài, điều mà mọi người thực sự công nhận là khả năng và hiểu biết của bạn chứ không phải vì bạn giàu có và quyền lực.

Ngược lại, có những người đã lớn tuổi nhưng đi đâu cũng khoe mẽ, ngoài mặt ai cũng ngưỡng mộ, nhưng trong lòng có mấy ai thật sự nể phục? Người khôn ngoan thực sự là người không khoe giỏi, khoe tài.

Trẻ thơ mong được làm người lớn, đến khi trưởng thành mới thấu đáo nhân sinh: Làm người lớn thật chẳng dễ dàng! - Ảnh 1.

02

Đối với bản thân, điều bạn phải học là sử dụng điểm mạnh và khắc phục điểm yếu. Nhiều người chưa có ý thức này. Tuy nhiên, xã hội hiện đại suy cho cùng là xã hội sĩ diện, và ngoại hình mới thực sự quan trọng.

Tất nhiên, chúng ta sẽ không khỏi trầm trồ trước những người nổi tiếng, giàu có, xinh đẹp… trên internet. Nhưng đừng vì vậy ép mình sống một cuộc đời không phải của mình, hãy học cách bảo vệ bản thân và đừng phơi bày mọi chuyện với những người mà bạn không quen biết.

Tuy nhiên, cần phân biệt giữa “sống kín tiếng” và “giấu giếm”. Giữa con người với con người luôn cần có một quá trình thấu hiểu, những khiếm khuyết có thể dần dần được bộc lộ trong quá trình tìm hiểu, từ đó mọi người sẽ đánh giá xem bạn có phù hợp để gắn bó lâu dài hay không.

Và nếu bạn chủ động nói về những khiếm khuyết của bản thân ngay từ lần gặp đầu tiên, người khác sẽ hình thành hai suy nghĩ, thứ nhất là người này có quá nhiều vấn đề nên tốt hơn hết là không nên giao du với họ nữa. Thứ hai là người này đã bộc lộ quá nhiều mặt xấu, có phải họ muốn “đuổi khéo” mình?

Cả hai tình huống này rõ ràng không phải là những tình huống khiến cả hai thoải mái và vui vẻ, vì vậy điều quan trọng là bạn phải hiểu rõ mình là ai và khi nào nên chia sẻ.

Trẻ thơ mong được làm người lớn, đến khi trưởng thành mới thấu đáo nhân sinh: Làm người lớn thật chẳng dễ dàng! - Ảnh 2.

03

Suy cho cùng, bất cứ ai trên đời đều cần có bạn bè. Nếu là bạn, bạn ghét nhất kiểu người nào? Chắc chắn sẽ có nhiều câu trả lời là kiểu người lắm mồm.

Bởi vì người ấy sẽ mang bí mật của bạn kể lể ở khắp mọi nơi, và không quên chèn thêm lời nhắc nhở: “Tôi chỉ nói cho bạn thôi đấy, đừng kể với người khác”. Đối với loại người này, chúng ta phải tránh xa.

Khoảnh khắc bạn tiết lộ bí mật của ai đó sẽ không mang lại cho bạn tình bạn đúng nghĩa, ngược lại sẽ tạo ra xác suất bạn có thể mất đi một người bạn quan trọng. Bởi vì mọi người không muốn làm bạn với một người không thể giữ bí mật, điều đó quá nguy hiểm!

Nếu bạn của bạn tin tưởng bạn và nói với bạn những bí mật riêng tư, hãy tôn trọng điều đó như tôn trọng chính mình vậy. Bất cứ ai cũng sẽ muốn có một người bạn đáng tin cậy, không phải người sẵn sàng “ngồi lê đôi mách”. 

Giao tiếp là cả một nghệ thuật. Người trưởng thành sẽ hiểu có những lúc cần lên tiếng hoặc im lặng. Nhưng điều quan trọng nhất là phải chân thành và làm theo trái tim của chính mình. Xây dựng hình ảnh của bản thân nên là điều khiến bạn thoải mái chứ không phải một nghĩa vụ hay kỹ năng.

Nhưng hãy nhớ rằng làm cho bản thân thoải mái không có nghĩa là làm cho người khác xấu hổ. Làm người trưởng thành khó hơn nhiều so với làm chính mình, cũng giống như đời người mất 3 năm đầu học nói, phần đời còn lại học cách im lặng.

Nguồn: Apollo