Hơn 18.200 tỷ đồng đầu tư đường cao tốc Tân Phú

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuẩn bị thực hiện dự án đầu tư đường cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng) thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh này làm Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án đường cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc trong giai đoạn 2021-2025 theo hình thức PPP, có sự tham gia hỗ trợ của nhà nước.

Dự án có tổng mức đầu tư (chưa bao gồm lãi vay) hơn 18.200 tỷ đồng, gồm vốn do nhà đầu tư thu xếp khoảng 9.700 tỷ đồng (trước mắt, bố trí 5.000 tỷ đồng để thực hiện); vốn ngân sách nhà nước tham gia trong dự án dự kiến bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021–2025 khoảng 9.700 tỷ đồng.

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, vẫn chưa tự cân đối thu chi, hàng năm phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương nhưng với quyết tâm thực hiện dự án nên Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất đối ứng khoảng 3.000 tỷ đồng. Phần vốn nhà nước tham gia vào dự án còn lại (trị giá 6.700 tỷ đồng) sẽ do ngân sách Trung ương bố trí.

Hơn 18.200 tỷ đồng đầu tư đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc - Ảnh 1.
Một đoạn đường qua đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Ảnh minh họa: tinhte.vn

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án đang tạm xây dựng 4 phương án đầu tư theo phương thức PPP khả thi về tài chính với thời gian hoàn vốn từ 17 năm 2 tháng đến 29 năm 10 tháng. Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, thời gian thực hiện dự án sẽ bắt đầu từ năm 2021 đến năm 2024.

“Về phương án đầu tư này, ngoài tính khả thi để thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư, còn tiết kiệm cho ngân sách nhà nước 9.700 tỷ đồng. Ngoài ra, tại tỉnh Lâm Đồng hiện có nhiều nhà đầu tư dự án khác quan tâm đến việc tham gia đầu tư dự án một cách gián tiếp theo quy định tại điều 78 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nên phương án huy động vốn có nhiều thuận lợi khi tỉnh Lâm Đồng chủ trì tổ chức thực hiện dự án”, UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin.

Trong khi đó, theo kết quả nghiên cứu sơ bộ của liên danh Đèo Cả – Hưng Thịnh – đơn vị tài trợ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, có 2 phương án tuyến triển khai.

Với phương án hướng tuyến 1, dự án sẽ có điểm đầu tại Km59+596 (lý trình tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, đây cũng là điểm cuối của dự án thành phần 1 đoạn Dầu Giây – Tân Phú tại xã Phú Lợi, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai); điểm cuối tại Km110+500, giao với Quốc lộ 55 tại khu vực phường Lộc Phát, TP. Bảo Lộc (giao với đường Nguyễn Văn Cừ).  Dự án có chiều dài tuyến khoảng 67 km, tổng mức đầu tư khoảng 18.218 tỷ đồng.

Với phương án hướng tuyến 2, dự án có điểm đầu tại Km59+596 (lý trình tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, đây cũng là điểm đầu của Phương án hướng tuyến 1); điểm cuối tại Km126+360, giao với Quốc lộ 55 tại khu vực xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm.  Chiều dài tuyến khoảng 51 km (trong đó có 1 hầm dài 700m và 1 hầm dài 2km).  Với phương án này, tổng mức đầu tư dự án vào khoảng 18.222 tỷ đồng.

Dự án phân kỳ đầu tư, trong đó giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô nền đường 17m với 4 làn xe cơ giới, giai đoạn 2 hoàn thiện đảm bảo bề rộng nền đường 22m.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, phương án hướng tuyến 1 và phương án hướng tuyến 2 đều có những ưu điểm khác nhau và sẽ tiếp tục được nghiên cứu trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án theo quy định.

Dự án đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương là một trong 7 tuyến đường thuộc hệ thống đường cao tốc quốc gia tại khu vực phía Nam, kết nối với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Đây là công trình có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, ùn tắc giao thông trong khu vực.

Như vậy, khi dự án đường cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc được đầu tư và cùng với dự án đường cao tốc đoạn Dầu Giây – Tân Phú đang được Bộ GTVT chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 thì ngoài việc phù hợp với quy hoạch, còn giải quyết được nút thắt lớn nhất của Quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc, góp phần nâng cao hiệu quả rất lớn trong phát triển kinh tế liên vùng giữa tỉnh Lâm Đồng, các tỉnh Tây Nguyên với khu vực miền Đông Nam Bộ trong thời gian tới.