Bộ Quốc phòng nói về tiến độ xây dựng sân bay Phan Thiết

Tại cuộc họp báo quý 1 Bộ Quốc phòng ngày 9-4, báo chí đặt câu hỏi về dự án sân bay lưỡng dụng Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Dự án từng được khởi công đầu năm 2015, dự kiến hoàn thành năm 2018, nhưng sau đó tạm dừng. Ngày 5-4 vừa qua, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ chuẩn bị mặt bằng và triển khai dự án tại sân bay này. Không biết đến bao giờ dự án này chính thức được khởi công. Người dân ở TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận rất quan tâm đến dự án này do dân cư khu vực lân cận gặp nhiều rắc rối do dự án này chậm triển khai.

 Bộ Quốc phòng nói về tiến độ xây dựng sân bay Phan Thiết  - Ảnh 1.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, khẳng định đến hết năm 2022, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ sân bay Phan Thiết

Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị – Bộ Quốc phòng), cho biết, chủ trương xây dựng sân bay Phan Thiết là sân bay lưỡng dụng để phục vụ cho nhiệm vụ quân sự và dân sự. Thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng, đơn vị hoàn chỉnh các thủ tục để đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết theo quy định.

“Quyết tâm là đến hết năm 2022, chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ này để phục vụ cho hoạt động của sân bay Phan Thiết”- ông Đức cho biết.

Dự án sân bay Phan Thiết rộng 543 ha tại xã Thiên Nghiệp, phía đông bắc TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ngày 5-4 vừa qua, Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức Lễ chuẩn bị mặt bằng và triển khai dự án xây dựng sân bay Phan Thiết. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng đề nghị UBND Bình Thuận phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, xác định các mỏ vật liệu xây dựng để bảo đảm cung ứng ổn định, hiệu quả.

 Bộ Quốc phòng nói về tiến độ xây dựng sân bay Phan Thiết  - Ảnh 2.

Ngày 5/4, tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), Bộ Quốc phòng phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức lễ chuẩn bị mặt bằng và triển khai dự án đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết – Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Bình Thuận

Sân bay Phan Thiết đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 2009, rộng 543 ha. Dự án từng được khởi công vào tháng 1-2015, dự kiến hoàn thành năm 2018, nhưng sau đó tạm dừng do gặp khó khăn khi triển khai.

Đến năm 2017, UBND Bình Thuận đề xuất nâng cấp sân bay Phan Thiết 4C lên cấp 4E, đường băng dài từ 2.400 m lên 3.050 m để có thể khai thác các chuyến bay quốc tế trong tương lai.

Năm 2018, tại phê duyệt điều chỉnh hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng, sân bay Phan Thiết được quy hoạch là một trong 15 cảng hàng không nội địa trên cả nước có quy mô cấp 4E dân dụng kết hợp với sân bay quân sự cấp 1, tổng vốn khoảng 10.000 tỉ đồng. Sân bay có hoạt động bay quốc tế, với 1 đường cất hạ cánh dài 3.050 m, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.

Đến nay, dự án đã được tái khởi động trở lại.

 Bộ Quốc phòng nói về tiến độ xây dựng sân bay Phan Thiết  - Ảnh 3.

Phối cảnh sân bay Phan Thiết

Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã tập trung chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương thực hiện hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án, đến nay, toàn bộ mặt bằng dự án cơ bản hoàn thành, đảm bảo điều kiện để triển khai thi công xây dựng công trình.

Về việc xử lý, rà phá bom mìn cho dự án sân bay Long Thành, thiếu tướng Nguyễn Văn Đức cho biết, tháng 1-2021, ngay sau lễ khởi công, lực lượng công binh của quân đội đã bắt đầu khảo sát bom mìn, phục vụ mặt bằng xây dựng sân bay.

Dự kiến sau khi khảo sát, các đơn vị chức năng của quân đội sẽ rà phá bom mìn trong năm 2021 và 2022 theo đúng lộ trình, kế hoạch đặt ra.

Theo quy hoạch hiện nay, đến năm 2030, cả nước có tổng cộng 28 cảng hàng không, trong đó có 15 cảng hàng không quốc nội và 13 cảng hàng không quốc tế. Sân bay Phan Thiết là một trong 6 cảng hàng không quốc nội ở khu vực phía Nam, cùng với Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Côn Đảo, Rạch Giá và Cà Mau.

Bàn giao đất quốc phòng ở TP HCM

Về tiến độ bàn giao đất quốc phòng để phục vụ xây dựng một số dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt ở TP HCM, tướng Đức cho biết vấn đề này đã bàn rất nhiều, và Bộ Quốc phòng cũng đã thông tin nhiều về vấn đề này.

Quan điểm của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng là sẵn sàng bàn giao đất cho các địa phương để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, trừ những khu vực trọng yếu về quốc phòng, bảo đảm cho quốc phòng của đất nước.

Không chỉ tại TP HCM, tại các địa phương trên cả nước trong những năm qua Bộ Quốc phòng đã bàn giao rất nhiều đất. Tuy nhiên, thực tiễn diễn ra bàn giao không đơn giản, ví dụ cả 2 bên đã sẵn sàng bàn giao và tiếp nhận nhưng trong quá trình bàn giao lại phát sinh vấn đề, như trong khu đất lại có một phần thuộc di tích, nhà lưu niệm liên quan đến các quy định khác của pháp luật nên không phải cứ thống nhất bàn giao là bàn giao được ngay.

Về việc xử lý, rà phá bom mìn cho dự án sân bay Long Thành, thiếu tướng Nguyễn Văn Đức cho biết, tháng 1-2021, ngay sau lễ khởi công, lực lượng công binh của quân đội đã bắt đầu khảo sát bom mìn, phục vụ mặt bằng xây dựng sân bay.

Dự kiến sau khi khảo sát, các đơn vị chức năng của quân đội sẽ rà phá bom mìn trong năm 2021 và 2022 theo đúng lộ trình, kế hoạch đặt ra.