Biên lãi ngành thép sẽ đổi chiều trong nửa cuối 2021, giá cổ phiếu chuẩn bị bước vào nhịp điều chỉnh dưới áp lực chốt lời

Báo cáo mới đây của CTCK Bản Việt (VCSC) đã đưa cập nhật một số nhận định cho triển vọng ngành thép trong nửa cuối năm 2021.

Theo VCSC, nửa đầu năm 2021, lĩnh vực xây dựng phục hồi trở lại và duy trì tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp dịch COVID-19, qua đó đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam thông qua các hoạt động đầu tư phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng và nhà ở. 

Những tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế đã kích hoạt các biện pháp kích thích tài chính đáng kể từ Chính phủ, giúp phục hồi và thúc đẩy nhu cầu đối với vật liệu xây dựng kể từ năm nửa cuối 2020 cho đến nửa đầu năm 2021. Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và tổng doanh số tôn mạ, ống thép tại Việt Nam tăng trưởng lần lượt 14% và 36% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, sản lượng tiêu thụ thép mạnh mẽ trong 5 tháng đầu năm 2021 chủ yếu được dẫn dắt bởi xuất khẩu. Cụ thể, sản lượng thép xây dựng xuất khẩu tăng trưởng 29% so với cùng kỳ; ngoài ra doanh thu trong nước của thép xây dựng cũng tăng 12% so với 5 tháng đầu 2020. Lĩnh vực xuất khẩu tôn mạ và ống thép cũng có doanh thu tăng đến 118% so với cùng kỳ năm trước trong khi doanh thu trong nước chỉ tăng 9% YoY.

Biên lãi ngành thép sẽ đổi chiều trong nửa cuối 2021, giá cổ phiếu chuẩn bị bước vào nhịp điều chỉnh dưới áp lực chốt lời - Ảnh 1.

VCSC dự báo tăng trưởng sản lượng vật liệu xây dựng sẽ phục hồi để đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 10% trong năm 2021. 

Về thị phần thép trong nước, HPG củng cố vị thế dẫn đầu khi chiếm 6% thị phần thép xây dựng vào năm 2020; 5 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng sản lượng thép xây dựng cao nhất toàn ngành (+28% YoY). Động lực này sẽ kéo dài đến năm 2021 và được thúc đẩy bởi việc HPG đưa vào công suất mới từ dự án Khu Phức hợp Gang thép Dung Quất 1 (DQSC 1).

Trong tương lai, dự án mở rộng sắp tới của HPG là DQSC 2, sẽ chủ yếu tập trung vào thép cuộn cán nóng (HRC). Ngoài HPG, Formosa Hà Tĩnh là công ty duy nhất tại ở Việt Nam có khả năng sản xuất HRC. Điều này sẽ giúp định hình lại ngành thép trong nước khi Việt Nam hiện tại phải nhập khẩu 100% nhu cầu HRC để phục vụ cho ngành tôn mạ. VCSC dự báo nhu cầu HRC trong nước ước tính sẽ đạt khoảng 12 triệu tấn/năm.

Giá cổ phiếu ngành thép đã phản ánh kỳ vọng lợi nhuận cao. Biên lợi nhuận sẽ giảm trong 6 tháng cuối năm 2021

Diễn biến nửa cuối của năm 2021, VCSC cho rằng, việc Trung Quốc bắt đầu giảm mức độ kích thích kinh tế sẽ tiếp tục kiềm hãm đà tăng giá thép toàn cầu. Ngoài ra, mặc dù giá thép cao mang lại lợi ích đáng kể cho các nhà sản xuất thép trong ngắn hạn, nhưng đồng thời tạo ra áp lực kinh tế đối với nhiều ngành công nghiệp hạ nguồn (xây dựng, chế tạo máy móc và BĐS …) và kế hoạch đầu tư công. Tình hình này sẽ dẫn đến nhu cầu thép giảm và cuối cùng sẽ tự cân bằng cho sự gia tăng bất thường của giá cả. 

Báo cáo lưu ý, chênh lệch giá giữa giá HRC đầu vào và thành phẩm đầu ra của các công ty tôn mạ đã mỏng hơn nhiều so với chênh lệch giá giữa quặng sắt và thép xây dựng. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ làm giảm biên lợi nhuận khi hàng tồn kho có chi phí thấp dần đã hết và chi phí đầu vào sẽ bắt kịp so với giá sản phẩm hoặc giá sản phẩm giảm.

Biên lãi ngành thép sẽ đổi chiều trong nửa cuối 2021, giá cổ phiếu chuẩn bị bước vào nhịp điều chỉnh dưới áp lực chốt lời - Ảnh 2.

Kịch bản VCSC đưa ra cho rằng, biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép sẽ giảm trong 6 tháng cuối năm 2021 từ mức cao trong 6 tháng đầu năm 2021, chủ yếu là do kịch bản đầu tiên khi áp lực giá chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao và giá bán trên toàn chuỗi cung ứng điều chỉnh vào năm 2022.

Theo VCSC, trong bối cảnh giá thép vọt tăng phi mã, ngoài lợi nhuận tuyệt đối cao hơn, biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép niêm yết tại Việt Nam cũng gia tăng nhờ hưởng lợi từ xu hướng tăng của cả nguyên liệu đầu vào (quặng sắt và HRC) và giá thép thành phẩm thông qua tích lũy nguyên liệu đầu vào với giá thấp hơn. Tuy nhiên, đà tăng của giá thép được dự báo sẽ hạ nhiệt vào nửa cuối năm 2021, tạo ra sự đảo chiều trong biên lợi nhuận gộp. VCSC dự báo HPG, HSG và NKG sẽ chỉ ghi nhận biên lợi nhuận gộp của quý 2 cao hơn so với cùng kỳ và sau đó sẽ điều chỉnh giảm khi trở nên nhạy cảm hơn với biến động của giá thép trong 2 quý cuối năm 2021.

Đáng chú ý, VCSC đưa ra nhận định, giá cổ phiếu ngành thép phần lớn đã phản ánh kỳ vọng lợi nhuận cao của các công ty thép. Theo đó, KQKD khả quan và kỳ vọng của thị trường trong nửa cuối năm 2020 và quý 1/2021 là những động lực chính thúc đẩy giá cổ phiếu đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm và sau đó điều chỉnh vào nửa cuối năm 2021. VCSC cho rằng giá cổ phiếu của các công ty thép sẽ chịu áp lực chốt lời, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất tôn mạ (HSG, NKG).

VCSC cũng giữ nguyên khuyến nghị khả quan với mã cổ phiếu HPG với dự báo lợi nhuận 2021 tăng 23% so với cùng kỳ; LNST sau lợi ích CĐTS năm 2021 đạt 29,3 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị phù hợp thị trường cho hai mã HSG và NKG, đồng thời đưa ra kỳ vọng tăng lợi nhuận năm 2021 lần lượt pr mức 22% và 16% so với cùng kỳ.

Biên lãi ngành thép sẽ đổi chiều trong nửa cuối 2021, giá cổ phiếu chuẩn bị bước vào nhịp điều chỉnh dưới áp lực chốt lời - Ảnh 3.